icon icon icon

6 lưu ý giúp bạn đi bộ nhanh đúng cách, đúng kỹ thuật

Đăng bởi Giấy Nhám Fujistar vào lúc 17/05/2024

6 lưu ý giúp bạn đi bộ nhanh đúng cách, đúng kỹ thuật

Đi bộ nhanh là một môn thể thao rất có lợi cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng biết được đi như thế nào là đúng cách và đúng kỹ thuật. Mời bạn đọc cùng Nhà thuốc An Khang theo dõi bài viết sau đây để tìm hiểu rõ đi sao cho đúng và cải thiện tốc độ của mình nhé.

Đi bộ nhanh là gì?

Đi bộ nhanh là một hoạt động aerobic cường độ vừa phải có nhiều lợi ích cho thể chất và giảm nguy cơ mắc bệnh hơn là đi bộ thông thường. Kỹ thuật đi bộ nhanh là có thể bạn nên bước ngắn hơn để nhanh hơn chứ không nhất thiết phải bước càng dài càng tốt.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), phạm vi cho các tốc độ đi bộ khác nhau được xác định là:

  • Tốc độ vừa phải: 2,5 đến 3,5 dặm một giờ (4 - 5,6 km/h).
  • Tốc độ nhanh: 3,5 đến 4 dặm một giờ (5,6 - 6,4 km/h).

Đi bộ nhanh có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, sức mạnh cơ bắp và cấu trúc cơ thể, giúp ngăn ngừa tiểu đường, ung thư và các bệnh mạn tính. Ngoài ra, môn thể thao này cũng có thể cải thiện sức khỏe tinh thần, bao gồm cả hiệu suất công việc.

1 Giữ lưng luôn thẳng, không nghiêng về phía trước

Trong tư thế đúng của đi bộ nhanh đầu tiên phải để ý là lưng và dáng đi. Hãy đảm bảo những điều sau để có dáng đi chuẩn nhất:

  • Đừng nghiêng người về phía trước (điều này đã được một số huấn luyện viên khuyến nghị nhưng hầu hết những người tập đi bộ đều nghiêng người quá xa về phía trước).
  • Nhún vai một lần và thả lỏng vai, hơi ngả vai về phía sau.
  • Giữ cho cơ bụng được hoạt động và săn chắc.
  • Đứng thẳng lên.
  • Không cong lưng, nhưng để các đường cong là sự cong tự nhiên ở cột sống.
  • Hông sẽ xoay từ trước ra sau khi bạn đi bộ. Tránh lắc lư từ bên này sang bên kia sẽ gây lãng phí chuyển động.

Tư thế đúng khi đi bộ nhanh

Tư thế đúng khi đi bộ nhanh

2 Mắt nhìn thẳng, không cúi đầu

Việc cần chú ý tiếp theo là mắt và hướng nhìn. Nếu bạn đi bộ ở môi trường ngoài thay vì sử dụng máy chạy bộ thì việc hướng mắt đến đâu sẽ vô cùng quan trọng để tránh gặp tai nạn đáng tiếc. Để làm tốt điều này bạn cần chú ý một số điều sau đây:

  • Giữ mắt về phía trước và nhìn về phía trước.
  • Giữ cằm hướng lên và song song với mặt đất.
  • Đầu phải giữ nguyên khi bạn đi bộ.

Đi bộ nhanh với ánh mắt luôn hướng về trước

Đi bộ nhanh với ánh mắt luôn hướng về trước

3 Hít thở đều

Việc thở đều trong hoạt động thể thao là vô cùng quan trọng, mặc dù đây là điều mà chúng ta thường sẽ không nghĩ đến nhiều cho đến khi hụt hơi. Tập thể dục là hoạt động mà cơ thể cần nhiều khí oxy để có thể hoạt động một cách linh hoạt và hiệu quả.

Vì thế, khi chúng ta đi bộ nhanh hơi thở có thể trở nên gấp gáp một cách nhanh chóng và khó khăn trong việc lấy thêm khí thở nếu bạn thở không đúng cách.

Để đảm bảo hơi thở sẽ cung cấp được đủ lượng oxi trong suốt quá trình đi bộ, bạn sẽ cần để ý các điều sau:

  • Bạn hãy tập cảm nhận nhịp trong đầu sao cho đều (giống như đi đều trong hành quân), rồi sau hãy sải bước theo nhịp đếm như thế.
  • Trước khi bắt đầu thực hiện bài tập, hãy hít vào thật sâu rồi thở ra vài lần để giãn nở các phế nang. Điều này sẽ giúp bạn lấy được nhiều oxi hơn trong quá trình chạy.
  • Hít sâu cho phép phổi được lấp đầy hoàn toàn trong một khoảng nhịp rồi cũng thở ra trong khoảng nhịp tương tự (ví dụ bạn hít vào trong 4 nhịp đi thì cũng thở ra trong 4 nhịp).
  • Tiếp tục cố gắng đi đều và thở đều nhịp.

Hít thở khi đi bộ nhanh

Hít thở khi đi bộ nhanh

4 Lăn chân từ gót chân đến ngón chân

Bàn chân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tốc độ đi. Các bước lăn chân từ gót đến ngón chân như sau:

  • Phần gót nên là bộ phận chạm đất trước rồi mới đến phần còn lại của bàn chân.
  • Kết hợp cùng với việc đánh tay và hông một cách nhịp nhàng sẽ giúp cho bước đi của bạn được thanh thoát và uyển chuyển hơn.
  • Giữ cho cổ chân và mắt cá chân chắc chắn.
  • Sau khi gót chân tiếp đất, bàn chân sẽ di chuyển lăn theo đến lòng bàn chân rồi đến ngón chân.
  • Tạo một lực đẩy ra sau bằng mũi chân, lực mạnh hay nhẹ sẽ tùy thuộc vào tốc độ đi mong muốn.
  • Một cú đẩy tốt sẽ thúc đẩy cơ thể bạn đi hiệu quả hơn.

Điều chỉnh các tiếp xúc bàn chân đi bộ nhanh

Điều chỉnh các tiếp xúc bàn chân đi bộ nhanh

5 Kết hợp đánh tay

Khi cánh tay đưa ra phía trước, chỉ nên vung tay từ bụng, không vượt quá ngực và hãy giữ di chuyển thẳng về phía trước thay vì bắt chéo cơ thể.

Cách đánh tay nhìn cũng tương tự như đưa tay ra để bắt tay ai đó. Việc đung đưa cánh tay trên khắp cơ thể là lãng phí năng lượng và có thể làm chậm lại.

Một số lưu ý:

  • Gập khuỷu tay ở góc 90 độ.
  • Đối với chuyển động của cánh tay về phía sau, bàn tay chạm vào hông được xem là chuẩn.
  • Không nên đánh cánh tay ra sau quá nhiều. Điều đó có thể làm nghiêng người và ảnh hưởng đến tư thế.
  • Giữ khuỷu tay hay cùi chỏ gần với cơ thể.
  • Thả lỏng bàn tay và tốt nhất không nên xách bất cứ thứ gì khi đang thực hiện bài tập.
  • Cánh tay sẽ hoạt động ngược lại với chân, tức là khi đánh tay trái thì chân phải sẽ bước lên và ngược lại.

Đi bộ nhanh kết hợp với đánh tay

Đi bộ nhanh kết hợp với đánh tay

6 Bước chân nhỏ hơn, nhanh hơn

Đúng là khi có sải chân dài hơn thì sẽ có thể đi được xa hơn trong cùng một quãng thời gian. Nhưng đó không phải là mục tiêu, hãy để bước đi diễn ra được tự nhiên.

Hãy tập trung thực hiện làm sao bước nhanh hơn và việc bước chân nhỏ hơn sẽ giúp bạn làm được điều đó.

Bước chân đều nhỏ và nhanh khi đi bộ

Bước chân đều nhỏ và nhanh khi đi bộ

Nguồn: https://www.nhathuocankhang.com/ban-tin-suc-khoe/6-luu-y-giup-ban-di-bo-nhanh-dung-cach-dung-ky-thuat-1476864

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: