icon icon icon

Công trình cấp nước xuống cấp, hàng trăm hộ dân thiếu nước sạch

Đăng bởi Giấy Nhám Fujistar vào lúc 12/06/2024

Công trình cấp nước xuống cấp, hàng trăm hộ dân thiếu nước sạch

Công trình cấp nước sinh hoạt xuống cấp khiến hàng trăm hộ dân thôn 1 và thôn 2, xã Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) không có nước sạch để dùng, người dân phải xách nước từ trên suối đầu nguồn về dùng.

Công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng từ năm 2015, với tổng vốn đầu tư 5,8 tỷ, do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi triển khai để cấp nước cho thôn 1 và thôn 2 (xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa). Sau 5 năm sử dụng, công trình xuống cấp, các đường ống dẫn nước về thôn bị rò rỉ, hư hỏng không thể sử dụng, khiến hàng trăm hộ dân phải xách nước suối về dùng.

cấp nươc 1 (1 of 1).jpg
Trưởng thôn 1 bên công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Bà Phạm Thị Phiên (xóm Nước Ngọn, thôn 2), cho biết: “Nhà tôi có 4 nhân khẩu, hằng ngày cứ buổi sáng đi làm, tối về xách nước. Tôi phải chạy xe máy tận hơn 5km lên suối trên núi để chở 4 thùng nước, mỗi thùng 30 lít, đổ vào bồn nước chứa để dùng. Từ khi đường ống dẫn nước của công trình cấp nước bị hỏng, liên tục nhiều năm, người dân đều phải xách nước về uống. Tôi muốn nuôi thêm trâu bò, heo để phát triển kinh tế cũng không thể vì không có nước”.

Mùa hạn đã bắt đầu, nắng nóng gay gắt hơn, người dân thôn 1, thôn 2 sống phụ thuộc vào con suối đầu nguồn rất lo lắng và họ mong chờ những cơn mưa vào buổi chiều để suối có nước chảy.

cấp nươc 2 (1 of 1).jpg
Các tuyến ống, van cửa đóng bị hư hỏng, rỉ sét sau nhiều năm sử dụng khiến nguồn nước không đảm bảo. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Bà Phạm Thị Nhàn (xóm Nước Ngọn, thôn 2) cho biết: “Phải lên suối đầu nguồn mới có nước để dùng nhưng vào mùa nắng hạn, nguồn nước cũng rất khan hiếm, lúc không có nước, tôi phải đi xin nước ở các hộ có giếng đào, giếng khoan”. Theo bà Nhàn, một giếng khoan thường tốn 20-30 triệu, các hộ dân ở đây đa số là người H’rê nên không đủ chi phí để khoan giếng.

cấp nươc 3 (1 of 1).jpg
Nhiều nhà dân ở thôn 2, xã Nghĩa Thắng phải xách nước từ suối về đổ vào bồn chứa trữ dùng trong ngày. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Phạm Mau, Trưởng thôn 1, cho biết: “Công trình cấp nước sinh hoạt có 2 ngăn làm bể lọc nước thế nhưng hiện 1 ngăn bể lọc đã bị hư hỏng, không thể sử dụng, các đường ống đã hoen gỉ, van nước bị rỉ sét, rò rỉ. Do vậy, hàng trăm hộ dân phải xách nước về dùng hoặc đào giếng”.

Ông Mau cho biết: “Riêng thôn 1 khoảng 246 hộ thì có 30 cái giếng đào, người dân thường góp công sức cùng đào giếng lấy nước uống vì chi phí rẻ hơn giếng khoan. Với địa hình là đồi núi nên việc khoan giếng rất khó khăn vì thường xuyên gặp phải đá bàn, nhiều nơi khoan sâu đến 80-100m mới có nước”.

cấp nươc 4 (1 of 1).jpg
Chỉ một ngày không xách nước thì sáng ngày hôm sau không có nước để dùng, nên hộ dân muốn nuôi thêm trâu bò, heo cũng không thể. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Phạm Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng, cho biết: “Toàn thôn 1 và thôn 2 với hơn 400 hộ, hơn 1.390 nhân khẩu, trước kia sử dụng nguồn nước từ công trình cấp nước sinh hoạt, thế nhưng do công trình xuống cấp, đặc biệt sau những năm mưa bão thì các tuyến đường ống dẫn nước bị bồi lấp, không thể khắc phục, khiến cho cấp nước gặp khó khăn, hiện chỉ có khoảng 100 hộ dân gần với công trình cấp nước có thể tiếp tục sử dụng, còn lại, đa số người dân vẫn phải xách nước suối về dùng, số ít hộ dân sử dụng giếng đào, giếng khoan”.

Theo ông Chinh, UBND xã Nghĩa Thắng đã có tờ trình kiến nghị các cấp hỗ trợ kinh phí để duy tu, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt với tổng kinh phí khoảng 400 triệu.

Tính đến 2024, toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 530 công trình cấp nước tập trung, trong đó phần lớn là công trình cấp nước tập trung tự chảy ở miền núi. Thực tế, đa số các công trình cấp nước cho các huyện, xã quản lý, vận hành chưa thể đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật về nước sạch. UBND xã quản lý, sử dụng và khai thác công trình không có cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm, công tác duy tu, bảo dưỡng gần như không được thực hiện. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm, nước mặt ngày càng bị suy thoái, khô cạn, các công trình thường xuyên bị thiếu nước, chất lượng nước sau xử lý không đảm bảo. Bão lũ hằng năm làm hư hỏng một số hạng mục công trình và đường ống cấp nước nhưng UBND xã, huyện không có kinh phí để sửa chữa dẫn đến hư hỏng lớn làm cho công trình ngừng hoạt động…

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/cong-trinh-cap-nuoc-xuong-cap-hang-tram-ho-dan-thieu-nuoc-sach-post744166.html

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: