-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Vaccine bạch hầu tiêm nhắc 10 năm một lần có hiệu quả không?
Đăng bởi Giấy Nhám Fujistar vào lúc 14/08/2024
Tôi 30 tuổi, tiêm vaccine bạch hầu từ nhỏ, được khuyến cáo tiêm nhắc 10 năm một lần. Hiệu quả phòng bệnh của việc tiêm nhắc thế nào? (Bình Minh, Thanh Hóa)
Trả lời:
Bạch hầu lây nhiễm qua đường hô hấp. Vi khuẩn gây bệnh khiến cơ thể vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc, có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm dây thần kinh, tắc đường thở nếu lớp giả mạc ở vùng họng lan rộng lấp đường hô hấp... khi không điều trị kịp thời.
Vaccine là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả cao. Tuy nhiên, kháng thể do vaccine tạo ra sẽ giảm dần theo thời gian. Người dân cần tiêm nhắc để duy trì kháng thể ở mức cao. Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) và CDC Mỹ khuyến cáo thời gian tiêm nhắc 10 năm/lần.
Trường hợp của bạn 30 tuổi, đã tiêm ngừa bạch hầu nhưng chưa có mũi nhắc, cần bổ sung một mũi nhắc trong thời gian sớm nhất. Sau đó bạn vẫn cần tiêm nhắc một mũi mỗi 10 năm. Tùy vào tình hình dịch tễ ở mỗi địa phương, bạn cũng cần tiêm chủng theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Lưu ý, tiêm ngừa bạch hầu là "hành trình trọn đời" bắt đầu khi trẻ 2 tháng tuổi đến người lớn. Người dân ngừa bệnh bạch hầu cần chú ý lịch tiêm nhắc để phòng bệnh cho bản thân, tránh mắc bệnh và trở thành nguồn lây cho cộng đồng.
Lịch tiêm cụ thể như sau: từ 2 tháng tuổi, trẻ cần ngừa bạch hầu bằng các vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Phác đồ tiêm gồm 4 mũi khi 2, 3, 4 và 16-18 tháng tuổi. Vaccine có hiệu quả đến 99% với bệnh bạch hầu.
Sau đó, trẻ cần tiêm nhắc vaccine có thành phần ngừa bạch hầu ở các mốc 4-6 tuổi và 9-15 tuổi. Nếu tiêm phòng đầy đủ từ nhỏ, người trưởng thành vẫn cần tiêm nhắc bạch hầu mỗi 10 năm. Vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván có hiệu quả 97% với bệnh bạch hầu.
Phụ nữ mang thai cũng cần phòng bạch hầu, tiêm vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối, giúp bảo vệ cả mẹ và bé. Kháng thể truyền từ mẹ sang con trong thai kỳ còn giúp bảo vệ bé trong những tháng đầu đời khi chưa đến tuổi tiêm ngừa.
Bên cạnh đó, để ngừa bạch hầu, người dân cần kết hợp các biện pháp phòng bệnh như giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc họng miệng bằng nước muối sinh lý, ăn uống đủ dưỡng chất và rèn luyện thể chất điều độ; khi đến nơi đông người cần chú ý giữa khoảng cách và đeo khẩu trang.
Nguồn: https://vnexpress.net/vaccine-bach-hau-tiem-nhac-10-nam-mot-lan-co-hieu-qua-khong-4781047.html