icon icon icon

Vì sao nhẫn trơn đắt hơn vàng miếng?

Đăng bởi Giấy Nhám Fujistar vào lúc 18/07/2024

Vàng miếng SJC rẻ hơn so với nhẫn trơn cả triệu đồng nhờ chính sách "định giá" của Ngân hàng Nhà nước nhưng không dễ mua.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, giá nhẫn trơn vượt vàng miếng SJC. Hiện, mỗi lượng vàng nhẫn trơn tại các thương hiệu lớn dao động từ 76,9 đến 77,7 triệu đồng, ngang ngửa và thậm chí cao hơn gần 1 triệu đồng so với giá vàng miếng.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) nhận định, hiện tượng này xuất phát từ chính sách "ấn định" giá vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước trong khi giá vàng nhẫn vẫn diễn biến theo kim loại quý trên thị trường quốc tế.

Trong vòng một tháng qua, giá vàng quốc tế đã tăng khoảng 140 USD mỗi ounce, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương mức điều chỉnh 4 triệu đồng một lượng. Đồng thuận với xu hướng kim loại quý thế giới, giá nhẫn trơn có thương hiệu cũng tăng từ 2 đến 2,5 triệu đồng mỗi lượng.

Trong khi đó, biến động giá vàng miếng SJC không còn phụ thuộc nhiều vào thế giới mà tùy theo "định giá" do Ngân hàng Nhà nước chỉ định.

Từ đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng can thiệp cho SJC và 4 ngân hàng quốc doanh với mức giá giảm dần qua từng phiên, từ 78,98 triệu sau đó xuống 75,98 triệu đồng. Giá bán vàng miếng ra người dân không được cao hơn 1 triệu đồng so với mức này.

Trong hơn một tháng qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên giá bán can thiệp cho 5 đơn vị này với giá 75,98 triệu đồng. Do đó, giá vàng miếng bán ra thị trường cũng bất động và trở nên rẻ hơn nhẫn trơn, đồng thời cũng chỉ còn chênh 1 triệu đồng so với giá thế giới.

Về lý thuyết, giới chuyên gia cho rằng giải pháp này trong ngắn hạn đã giải quyết được bài toán thu hẹp chênh lệch vàng miếng SJC và thế giới.

5 đơn vị được ủy thác bán can thiệp đều giới hạn lượng mua mỗi người chỉ 1-3 lượng, đồng thời kênh phát số duy nhất qua hình thức trực tiếp, cũng nhanh chóng hết lượt ngay từ đầu giờ sáng. Còn tại các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng như DOJI, Bảo Tín Minh Châu, PNJ..., họ gần như ngừng hoạt động bán vàng miếng ra thị trường kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bán can thiệp "định giá" vàng miếng.

Trong bối cảnh vàng miếng không dễ tiếp cận, nhiều người dân chuyển qua vàng nhẫn trơn. Tuy nhiên, nguồn nhẫn trơn cũng trồi sụt theo từng thời điểm, không dồi dào, có sẵn trên thị trường. Doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng trong khi đường buôn lậu bị siết chặt hơn, kéo theo nguồn cung hạn chế.

Đăng ký mua vàng miếng nhiều ngày không được, trong khi giá vàng thế giới tăng liên tục, Thanh Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) dự tính chuyển sang mua vàng nhẫn. Tuy nhiên, hai ngày liên tục gọi nhiều tiệm vàng, Huyền không mua nổi một chiếc nhẫn.

"Vàng nhẫn trơn bên em hiện không sẵn hàng, chỉ nhận đặt cọc trước và giao vào ngày 25 tháng này", nhân viên một tiệm vàng trên đường Cầu Giấy nói với Huyền qua điện thoại. Gọi cửa hàng các thương hiệu lớn khác như DOJI, PNJ, cô cũng chỉ nhận lại lời từ chối và thông báo "không có sẵn hàng". Hầu hết tiệm đề nghị Huyền đặt cọc và sẽ báo ngày nhận vàng sau.

Các tiệm vàng của SJC tại Hà Nội cũng thông báo hết hàng, nhân viên những tiệm này cũng không thể chắc chắn khi nào vàng nhẫn có hàng trở lại. "Vàng nhẫn trơn giờ khan hàng không khác gì vàng miếng.", chị Huyền cho hay.

Người dân mua vàng miếng tại ngân hàng trong những ngày đầu tiên có chính sách bán vàng bình ổn. Ảnh: Giang Huy

Người dân mua vàng miếng tại ngân hàng trong những ngày đầu tiên có chính sách bán vàng "bình ổn". Ảnh: Giang Huy

Dự báo về xu hướng giá vàng thế giới thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng kim loại quý vẫn còn đi lên.

Ông Suan Tek In, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho biết đồng USD trở nên bớt mạnh hơn do các đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Đồng thời, tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng vàng của nhiều ngân hàng trung ương thời gian qua cũng trong xu hướng tăng. Với những yếu tố ủng hộ này, UOB dự báo giá vàng thế giới sẽ thiết lập kỷ lục mới 2.700 USD một ounce vào giữa năm sau.

Trong kịch bản giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh, Phó chủ tịch VGTA nói, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nâng giá bán can thiệp vàng miếng để không thấp hơn so với thế giới. Do đó, giá thế giới tăng mạnh sẽ kéo cả giá vàng nhẫn cũng như vàng miếng cùng đi lên.

Chưa rõ chính sách bán vàng can thiệp và "ấn định" giá sẽ được Ngân hàng Nhà nước duy trì tới khi nào. Duy trì biện pháp này, giá vàng miếng sẽ vẫn còn "rẻ hơn tương đối" so với nhẫn trơn hoặc thế giới thay vì vênh cả chục triệu như trước.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhìn nhận cũng chỉ là giải pháp tình thế. Bán can thiệp nếu kéo dài và đáp ứng thực sự nhu cầu cho thị trường, đặc biệt vào những giai đoạn cao điểm, sẽ tiêu hao nguồn lực quỹ dự trữ ngoại hối.

 

Nguồn: https://vnexpress.net/vi-sao-nhan-tron-dat-hon-vang-mieng-4770830.html

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: