Vựa cá chép đỏ lớn nhất miền Bắc nhộn nhịp trước ngày ông Công ông Táo
Càng gần tới ngày ông Công ông Táo, một trong những vựa cá chép đỏ lớn nhất miền Bắc - làng cá chép đỏ Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) lại rộn ràng với vụ thu hoạch cuối cùng trong năm.
Trước Tết ông Công ông Táo 23 tháng Chạp, làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) lại trở nên rộn ràng với cảnh người nông dân tát ao, thả lưới, cung cấp nguồn cá phóng sinh cho người dân khắp mọi miền đất nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Zalo Facebook Twitter Bản in Copy link
Trước Tết ông Công ông Táo 23 tháng Chạp, làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) lại trở nên rộn ràng với cảnh người nông dân tát ao, thả lưới, cung cấp nguồn cá phóng sinh cho người dân khắp mọi miền đất nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Làng Thủy Trầm được coi là “thủ phủ” nuôi cá chép đỏ lớn nhất miền Bắc những ngày này đã bắt đầu tấp nập cảnh bán, mua. Trên các ao nuôi, bà con nông dân bắt đầu thu hoạch cá chép đỏ bán cho thương lái. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Bùi Đình Chữ - Trưởng làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thuỷ Trầm cho hay, nghề nuôi cá chép đỏ ở đây có từ những năm 1960. Ban đầu người dân địa phương chỉ nuôi cho đẹp, về sau nhu cầu thị trường ngày càng lớn khiến nơi đây trở thành nghề truyền thống. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhiều năm trước, nghề nuôi cá chép đỏ chỉ tập trung ở làng Thủy Trầm, nhưng nay đã nhân rộng ra nhiều nơi trong xã Tuy Lộc. Hiện, toàn xã có khoảng 30ha nuôi cá chép đỏ, riêng làng Thủy Trầm là khoảng 17ha. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Làng Thuỷ Trầm năm nay cung ứng ra thị trường khoảng hơn 40 tấn cá chép đỏ, tương đương khoảng hơn 2 triệu con. Từ những ngày 19-20 tháng Chạp, các hộ nuôi cá đã tiến hành thu hoạch cá. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đang khẩn trương thu hoạch mẻ cá chép đỏ, anh Phan Văn Hữu (xã Thụy Liễu, Cẩm Kê, Phú Thọ) chia sẻ, người dân nơi đây bắt đầu nuôi cá từ tháng 7 Âm lịch, cho đến trước Tết ông Công ông Táo khoảng 1 tuần sẽ bắt đầu bán cho thương lái. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Anh Hữu cho hay, hiện tại giá cá chép đỏ khoảng 80 ngàn đồng/cân nhưng sát ngày Tết ông Công ông Táo sẽ tăng theo từng giờ, thời điểm cao nhất năm ngoái một cân cá giá bán buôn lên tới 200 ngàn đồng/cân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khách mua cá đến từ nhiều tỉnh thành miền Bắc như Hà Nội, Lào Cai,... Tuy nhiên những người nông dân tại đây cho biết sản lượng cá ít hơn mọi năm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cá đẹp sẽ có màu đỏ, không đốm đầu, đốm đuôi, kích cỡ đều nhau. Một cân cá sẽ có từ 35-40 con là đủ điều kiện xuất đi bán tại các tỉnh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tại khu vực chợ cá Thủy Trầm, gần ngày 21 và 22 tháng Chạp các thương lái đổ về làng nhiều hơn. Tuy nhiên năm nay người mua đặt hàng qua điện thoại, hộ nuôi cá sau khi thu hoạch sẽ vận chuyển đến tận nơi khiến chợ cá trở nên đìu hiu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Năm nay thị trường cá chép đỏ cũng kém sôi động, giá bán chỉ khoảng 80 ngàn/kg, giảm sâu so với mức 100 - 150 ngàn đồng/kg năm ngoái. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đặc điểm của cá chép đỏ nuôi tại làng Thủy Trầm là thân hình thoi, màu đỏ sặc sỡ hoặc đỏ ánh vàng, có hai đôi râu, to đều bằng nhau. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Làng Thủy Trầm những ngày này luôn trong bầu không khí hối hả, rộn ràng chuẩn bị cho vụ thu hoạch lớn cuối năm tràn ngập khắp thôn xóm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Hà Công Xuân (70 tuổi) đã có hơn 30 năm trong nghề nuôi cá cho biết năm nay cá đẹp tuy nhiên sản lượng lại ít hơn năm ngoái. "Thời tiết năm nay rất ủng hộ người nuôi cá, nhiều gia đình trong thông thu hoạch được vài tạ đến cả tấn cá," ông Xuân cho biết. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các tiểu thương đang lựa chọn cá để sẵn sàng xuất đi trong những ngày tới. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trước đó vào năm 2011, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ công nhận Thủy Trầm là làng nghề nuôi cá chép đỏ. Đến nay, nghề nuôi cá này đã khiến cuộc sống nơi đây trở nên sung túc, đầy đủ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)